Đi du lịch vào những ngày hè nắng nóng khiến chúng ta có nguy cơ bị say nắng, say nóng, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm. Người bị say nắng, say nóng nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời, đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng nặng nề do tổn thương thần kinh trung ương.
Vì vậy, bạn cần có những kiến thức cơ bản về say nắng, say nóng để có thể chủ động phòng tránh tai nạn khá phổ biến này nhé.
Thế nào là say nắng, say nóng
- Là trạng thái bệnh lý xuất hiện do quá trình tạo nhiệt trong cơ thể vượt quá khả năng thải nhiệt, nhiệt được tích trong cơ thể và gây tăng thân nhiệt.
- Trong say nóng, trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh, trong say nắng thì bản thân trung tâm này bị chấn động đả kích bởi tia nắng chiếu thẳng vào vùng đầu, cổ và gáy của chúng ta.
Biểu hiện khi bị say nắng, say nóng
* Say nóng:
- Phân loại say nóng: có 3 mức độ (nhẹ – vừa – nặng) dựa theo mức độ tăng thân nhiệt: mức độ nhẹ (thân nhiệt từ 37 – 38oC), mức đội vừa (thân nhiệt từ 39 – 40oC) và mức độ nặng (thân nhiệt trên 40oC).
- Mức độ nhẹ: hoa mắt, đau đầu, chóng mặt (choáng váng), mệt mỏi, buồn nôn, khát nước, khô miệng, co rút cơ cục bộ (mặt sau cẳng chân, tứ đầu đùi, bụng), da ửng đỏ, lấm tấm mồ hôi, nhịp tim nhanh, thở nhanh.
- Mức độ vừa: các triệu chứng biểu hiện rõ hơn, nôn nhiều, ý thức lơ mơ, thậm chí bất tỉnh, da đỏ, niêm mạc nhợt, mồ hôi đầm đìa, mạch nhanh, yếu, huyết áp giảm, biểu hiện kích động.
- Mức độ nặng: xuất hiện ảo giác, mê sảng, co giật, giãy giụa, hôn mê, da khô nóng, tóc bết, nhịp tim rất nhanh (140 – 160 lần/phút), huyết áp giảm sâu < 80mmHg; nhịp thở nhanh, nông, có thể kiểu thở Cheyne – Stockes, co giật cơ (mặt sau cẳng chân, đùi, bả vai, cánh tay, đau khi vận động), phản ứng viêm toàn thân dẫn đến hội chứng suy đa tạng trong đó nguy hiểm nhất là tổn thương não, có nguy cơ tử vong cao.
* Say nắng: Trong say nắng, các biểu hiện bệnh nặng ngay từ đầu.
- Thân nhiệt rất cao, có thể 42 – 43 – 44 độ C ngay từ đầu.
- Dấu hiệu thần kinh rõ ngay từ đầu và nhiều dấu hiệu khó hoặc không hồi phục.
- Có thể có tụ máu dưới màng cứng hoặc bên trong não.
- Các tổn thương thần kinh hay xảy ra ở người có xơ vữa động mạch.
Những yếu tố thuận lợi dễ bị say nắng say nóng
* Say nóng:
- Hoạt động thể lực trong điều kiện thời tiết nóng, không có gió.
- Hoạt động trong ngày hè, thời tiết oi bức, trước khi có cơn giông.
- Trời nắng hạ về chiều, nhiều mây, ít tia tử ngoại và nhiều tia hồng ngoại.
- Hoạt động trải nghiệm ở cánh đồng trũng, nước mất đi mặt trời hun nóng cả ngày.
- Hoạt động trong hầm lò, nhà xưởng.
- Chạy marathon.
- Thể lực kém, béo phì, mắc các bệnh mạn tính, người cao tuổi, trẻ em.
- Không đủ nước uống có muối và các điện giải khác.
- Quần áo, trang phục không phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng (thông khí kém, không thoáng và không thấm mồ hôi ví dụ như quần áo nhiều sợi nilong).
- Say nóng thường xảy ra vào buổi xế chiều (nhiều tia hồng ngoại).
* Say nắng:
- Say nắng hay xuất hiện lúc giữa trưa (lúc trời nắng gắt có nhiều tia tử ngoại).
- Đầu trần đi dưới trời nắng to quá lâu.
- Hoạt động giữa trưa nắng, cúi đầu (cấy lúa, gặt lúa…) và không sử dụng mũ nón hoặc phương tiện che chắn không đúng kém tác dụng.
Các biện pháp phòng tránh say nắng, say nóng khi đi du lịch trải nghiệm
- Khi tham gia các hoạt động ngoài trời nắng nóng, cần mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, chất liệu vải thấm mồ hôi tốt, đội mũ rộng vành che được toàn bộ vùng đầu và gáy.
- Bạn phải uống đầy đủ nước, hãy thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, nước mát, không sử dụng nước ngọt có gas, không uống nước biển.
- Không hoạt động quá lâu và tránh các hoạt động thể lực quá sức dưới trời nắng. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng hoạt động ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát hoặc có quạt thông gió từ 10 – 15 phút.
- Không nên tiến hành các hoạt động ngoài trời nắng to, nhất là thời điểm từ 10h đến 14h, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi.
- Khi vừa hoạt động dưới trời nắng về chính là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Xử trí say nắng, say nóng
* Nguyên tắc chung:
- Ngừng các hoạt động, đưa người bị nạn vào chỗ râm mát, tăng cường thông gió.
- Cởi bỏ quần áo, đặt ở tư thế nằm đầu thấp.
- Chườm lạnh ở những vùng có mạch máu lớn đi qua: vùng cổ, nách, bẹn, khoeo…
- Bù nước (uống nước muối nhạt, mát, dung dịch Oresol, truyền dịch).
- Hồi sức tim phổi nếu có ngừng hô hấp, ngừng tim.
- Tiếp tục theo dõi thân nhiệt, sự tỉnh táo, lượng nước tiểu.
- Sử dụng thuốc theo phác đồ cấp cứu.
- Với trường hợp nặng, thực hiện các biện pháp cấp cứu (hạ thận nhiệt…) ngay sau khi được phát hiện và trên đường vận chuyển đến cơ sở có bộ phận hồi sức tích cực.
* Các biện pháp cụ thể: phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ
- Trường hợp nhẹ:
Đưa ngay người bị nạn lên ô tô và bật điều hòa, thông gió, thực hiện các biện pháp xử trí trên ô tô (nếu tại hiện trường nắng nóng có sẵn xe ô tô): uống nước mát, cởi quần áo, lau khăn mát…
Tắm nước nhiệt độ 25 – 30oC trong 5 – 6 phút, sau đó dùng khăn lau khô người, nghỉ ngơi yên tĩnh. Trường hợp nặng hơn, ngâm vào nước nhiệt độ 28 – 30oC trong 7 – 8 phút, sau đó dùng khăn khô lau khô, nghỉ ngơi yên tĩnh.
Có thể lau người bằng khăn tẩm nước mát – ủ ẩm (nhiệt độ 25 – 26oC) trong 10 – 15 phút, sau đó dùng khăn lau khô, nghỉ ngơi yên tĩnh. Uống nhiều nước, dùng thuốc an thần, tim mạch theo chỉ định.
- Trường hợp nặng:
Ngâm nước mát (25 – 26oC), ủ khăn ẩm trên vùng ngực và bụng và nơi có các động mạch lớn đi qua (cổ, bẹn…). Truyền dịch (dung dịch muối đẳng trương). Rửa dạ dày bằng nước mát… Trong trường hợp quá nặng (ngừng thở, ngừng tim) cần nhanh chóng tiến hành các kỹ thuật hồi sức cấp cứu.