Leo núi là một bộ môn thể thao mà những người chơi, người tham gia cố gắng nỗ lực hướng đến mục tiêu là chinh phục đỉnh cao nhất của ngọn núi. Leo núi mang đến cho mọi người cơ hội tuyệt vời để tôi luyện tinh thần, sức mạnh và sự dũng cảm. Việc leo đến đỉnh núi và được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ chính là phần thưởng của cuộc hành trình gian nan vất vả nhưng vô cùng thú vị. Có lẽ chính vì vậy mà ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến leo núi, như một hoạt động du lịch khám phá và xả stress tuyệt vời.
Vietnam Adventure gửi đến bạn một số kỹ năng cần thiết để bạn áp dụng trong hành trình leo núi cho chuyến đi được an toàn và vui vẻ.
Kỹ năng đi lên dốc
Có 3 dạng địa hình chính khi bạn tham gia hành trình leo núi:
- Đường mòn có chênh lệch độ cao – thấp : bạn nên di chuyển bước chân thật đều, hơi thở ổn định (cho đường mòn dài) hoặc đi thoải mái, hít sâu thở chậm (cho đường mòn ngắn).
- Dốc sườn đồi thoải đi bước ngắn, bước chân đều để ổn định nhịp thở, đi nghiêng người đổ phía trước, để ba lô không trễ về sau.
- Dốc núi cao:
- Quan sát điểm đặt chân: điểm có độ bám tốt (ví dụ gờ đá, ko quá dài với sải chân)
- Tìm điểm bám tay: chắc chắn (nên giật thử để kiểm tra độ chắc), khi bám vào cây bụi nên bám cả cụm ko nên bám từng cây riêng lẻ.
Kỹ năng xuống dốc
Có 3 dạng địa hình chính khi bạn tham gia hành trình leo núi:
- Đường mòn có chênh lệch độ cao – thấp: bạn có thể đi xuống thoải mái theo sức của bạn.
- Dốc sườn đồi thoải: Khi xuống dốc nên quan sát vị trí đặt chân tốt, hạ thấp trọng tâm, bước đi phải nhanh nhẹn và nhẹ nhàng để làm giảm lực tác động lên đầu gối. Các bạn nên có dụng cụ hỗ trợ như bó gối và đặc biệt nên lựa chọn giày có độ bám tốt và lớn hơn 1 – 2 size để tránh việc đau mũi chân do dồn lực.
- Dốc núi có độ nghiêng lớn: Hạ thấp trọng tâm, người đổ ra đằng sau hoặc ngồi bệt xuống để tránh nguy cơ trượt dốc hay lộn người khi di chuyển, nên quan sát kỹ, tìm vị trí đặt chân, điểm tay bám, di chuyển chậm rãi, cẩn thận.
Kỹ năng leo qua vách núi
Đối với các vách núi trong các cung leo núi Vietnam Adventure tổ chức thường không quá dài, đều có lối mòn, dài khoảng tầm 3 – 10m nên việc leo vách cũng không quá khó. Các bạn nên ép người sát vào vách đá, quan sát tốt và bám vào các thân cây, bụi cỏ để leo lên. Chú ý, nên thử độ chắc chắn trước khi bám vào thân cây để đu người lên.
Cách hít thở đúng và an toàn khi đi trekking
Nguyên tắc hít thở khi đi trekking cần lưu ý những điểm sau:
- Hít thở sâu và dài: Đây là cách kiểm soát nhịp thở để duy trì được lượng oxy cũng như giúp tăng sức bền. Không được hít thở với tần suất nhanh và nông. Việc thở đứt quãng có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có vấn đề về hệ hô hấp hoặc cần có sự điều chỉnh về thói quen thở khi hít thở vì chưa đúng kỹ thuật, chưa biết cách.
- Kỹ thuật hít thở: hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
- Thở theo nhịp (thực hiện trong quá trình trekking/đi bộ): Nhịp thở 3:2 tức là là khi hít vào bằng mũi và người chạy/đi bộ nhanh đếm 1, 2, 3 rồi thở ra bằng miệng.
- Có thể tập rèn luyện thêm kỹ thuật thở bằng bụng (giúp cơ thể hấp thụ nhiều oxy hơn, tạo điều kiện cho khối cơ bụng được vận động).
Kỹ thuật dùng gậy
Việc dùng gậy trong quá trình leo núi sẽ phân bổ một phần trọng lượng cơ thể của bạn vào vai, tay và lưng khi bạn di chuyển lên hay xuống dốc giúp đôi chân của bạn giảm tải, đỡ mỏi và tăng lực cho từng bước chân.
Từ đó giảm áp lực lên đầu gối, đặc biệt là khi xuống dốc. Giúp cải thiện sức mạnh, sức bền, khả năng chịu đựng khi lên dốc. Giúp việc di chuyển trên những địa hình, con đường gồ ghề, không bằng phẳng dễ dàng, thăng bằng hơn.Cải thiện, điều chỉnh tư thế người leo núi, giúp cơ thể thẳng hơn khi bước đi và điều chỉnh nhịp thở tốt hơn.
Cách sử dụng gậy:
Điều chỉnh kích cỡ gậy phù hợp với chiều cao cơ thể (cao hơn hông, thấp hơn ngực). Khi lên dốc thu ngắn gậy, khi xuống dốc kéo dài gậy. Cầm gậy chắc trong tay, chống về phía trước cách cơ thể khoảng 30 – 50cm một lực vừa đủ để cắm mũi gậy vào đất, kéo người theo gậy và rướn người về phía trước. Không nên vung gậy cao ra phía sau tránh trường hợp gây nguy hiểm cho người đồng hành đi phía sau bạn.
Hướng dẫn cách di chuyển men theo dọc suối và băng qua suối:
Khi di chuyển qua suối, bạn nên đi theo bước chân và sự chỉ dẫn của người dẫn đường, không tự ý qua suối khi không có sự chỉ dẫn của người dẫn đường.
Để tránh trơn trượt, bạn chỉ nên giẫm chân vào những tảng đá bạc đầu có độ nghiêng không quá lớn, không bước vào những tảng đá có rong rêu và ướt, dùng chân kiểm tra xem có trơn hay không, bước chắc chân, di chuyển chậm, nhìn vị trí đặt chân và kết hợp với gậy để dữ thăng bằng.