“Chuột rút” hay còn gọi là “vọp bẻ” là hiện tượng thường gặp, nguyên nhân chủ yếu là do sự co thắt chặt cơ liên tục, ngoài ý muốn. Khi bị “chuột rút”, cảm giác đau đớn, thậm chí là rất đau và không có khả năng cử động cơ đó nữa trong chốc lát. “Chuột rút” thường xảy ra ở chân vào ban đêm và khi bơi lội (chuột rút vào ban đêm thường xuyên gây rối loạn giấc ngủ). “Chuột rút” trong khi bơi có thể có thể gây đuối nước ngay cả đối với những người bơi giỏi.
Phòng ngừa “chuột rút” khi bơi
Tình trạng hạ thân nhiệt, nhiễm lạnh, hạ đường huyết dễ dẫn đến “chuột rút” nhất là khi bạn ở trong nước lâu, xuống nước lúc trời mới sáng, nhá nhem tối, bụng đói, vừa ăn no xong. Muốn phòng ngừa “chuột rút”, tất cả các giai đoạn của buổi đi bơi (khởi động, xuống nước, lên bờ) đều phải được thực hiện một cách khoa học.
Trước khi xuống nước:
- Uống đủ nước khi trời nắng nóng (nên pha ít muối), cân nhắc nếu trước đó bạn bị nôn ói hoặc tiêu chảy.
- Dành khoảng 30 phút khởi động cơ thể.
- Khởi động cơ bắp và các khớp. Có thể áp dụng các bài thể dục buổi sáng; tập hai lần với cường độ khác nhau.
- Khởi động các khớp theo thứ tự: khớp các đốt sống cổ, thắng lưng, khớp hông (háng), các khớp gối, cổ chân, ngón bàn chân, các khớp vai, khuỷu, cổ tay, các ngón tay. Thực hiện vận động vặn xoay vòng các khớp theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
- Có thể chạy cự ly ngắn (100 m) theo trình tự: chậm – nhanh dần – chậm dần và trở về trạng thái cân bằng.
Khi xuống nước:
- Lúc tiếp xúc với môi trường nước, quá trình phản ứng diễn ra với 3 giai đoạn: ức chế, thích nghi, hồi phục.
- Ức chế (khoảng 10-15 phút đầu tiên): Cơ thể có phản xạ co mạch ngoại vi, huyết áp tăng nhẹ, tim và mạch đập nhanh, nhịp thở tăng.
- Thích nghi (khoảng 1-3 giờ tùy theo sức khỏe và sự rèn luyện): Cơ thể bắt đầu quen với môi trường nước, các biểu hiện ức chế dần dần hết; nhịp tim, tầm số mạch, nhịp thở và huyết áp ổn định và trở về trạng thái ban đầu. Giai đoạn này, các động tác cần được phối hợp nhẹ nhàng, chính xác, thoải mái. Khi bơi, cần chú ý quan sát để tránh các vùng nước xoáy hoặc dòng nước chảy xiết. Không bơi quá xa bờ, xa các phương tiện cứu hộ.
- Hồi phục (bù đắp): Cơ thể đã tiêu hao nhiều năng lượng, cần được bù đắp phần năng lượng đã mất đi. Khi thấy mỏi cơ, các động tác phối hợp rời rạc, không còn nhịp nhàng, báo hiệu cơ thể cần được nghỉ ngơi. Việc cố tiếp tục bơi có thể dẫn đến hiện tượng “chuột rút”.
- Khi thấy mỏi cơ, người bơi cần giảm dần tốc độ, bơi vào gần bờ hoặc gần phương tiện cứu hộ, sau đó thả lỏng toàn thân trong tư thế nổi 3-5 phút rồi lên bờ. Nếu cảm thấy rét run phải lên bờ ngay, tìm nơi kín gió, quấn chăn ấm; uống nước trà gừng nóng (các biện pháp chống lạnh).
Khi lên bờ:
Cần nằm nghỉ ngơi, thư giãn cơ 10-15 phút ở nơi kín gió, sau đó tắm rửa lại bằng nước ấm trong phòng kín gió 5-10 phút. Lau khô người và mặc quần áo ấm ngay trong phòng. Chú ý lau khô tai, mũi, mắt; khi cần thiết có thể nhỏ thuốc. Nếu mệt, nên uống một cốc trà gừng nóng.
Chú ý: Phụ nữ mang thai không nên bơi vì thường bị “chuột rút” (do phụ nữ mang thai thiếu Canxi).
Đối phó thế nào khi bị “chuột rút”
Khi đang bơi bị “chuột rút”, dù bạn đang ở bất cứ ở chỗ nông hay sâu, việc đầu tiên là phải báo cho người xung quanh biết nếu có thể. Khi ở chỗ sâu, nếu cơ bụng bị chuột rút (rất nguy hiểm), là người bơi giỏi và thành thạo, phải bình tĩnh thả lỏng toàn thân trong tư thế dang rộng tay chân, từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh (có thể bấm cả các huyệt bên chi đối xứng) và xoa nhẹ nhàng để lên vùng “chuột rút” rồi nhờ người xung quanh hoặc bộ phận cứu hộ giúp đưa lên bờ. Trường hợp quá xa nơi cứu hộ hoặc có một mình thì khi thấy đỡ nhờ tự xử trí như trên, phải nhẹ nhàng bơi vào bờ.
- Khi bị “chuột rút” ở các vùng cơ khác cần tìm cách lên bờ hay ít ra cố lết đến vùng nước nông, sau đó tự mình hay nhờ bạn bè giúp sức chữa chuột rút bằng các cách sau:
- “Chuột rút” ở vùng bắp chân (thường gặp nhất) hãy gắng nhỏm dậy duỗi thẳng chân, đứng bằng gót và ngón giúp cơ bắp vế giãn ra. Có thể gọi người giúp bằng cách nằm xuống giữ chân thẳng tối đa và nhờ ai đó đẩy mạnh các ngón bàn chân ngược về hướng đầu gối.
- “Chuột rút” ở vùng đùi: ngồi xuống, người giúp kéo chân nạn nhân ra thật thẳng, đồng thời nâng gót chân lên cùng lúc dùng tay kia ấn mạnh đầu gối xuống.
- Khi không có khả năng bơi vào bờ, bạn càng hoảng loạn quẫy đạp lung tung bạn càng dễ chìm. Nếu sóng không lớn lắm hãy bình tĩnh thả ngửa cơ thể trên mặt nước chờ người đến giúp.
- Khi cần người cứu chỉ nên giơ một tay “la làng” còn một tay để bơi nước. Đội mũ bơi màu càng sặc sỡ càng tốt để mọi người hay nhân viên cứu hộ có thể phát hiện bạn từ xa. Nên chọn điểm bơi trong tầm mắt của các nhân viên cứu hộ, và tốt nhất là có một chiếc phao bơi bên mình. Khi đã bị “chuột rút”, tốt nhất không nên cố gắng bơi thêm trong ngày hôm đó.
Cách điều trị
“Chuột rút” do thiếu ôxy có thể được điều trị ngay bằng việc hít thở sâu, và làm giãn cơ. Chuột rút do thiếu nước và muối ăn có thể chữa bằng việc giãn cơ, uống thêm nước và ăn thêm muối. “Chuột rút” cơ bắp cũng được chữa bằng cách xoa bóp nhẹ lên chỗ bị đau, giãn cơ và chườm nóng hoặc chườm lạnh. Việc chườm nóng làm tăng tuần hoàn máu và làm cơ đàn hồi hơn, tuy nhiên một số người cảm thấy việc chườm nóng làm đau hơn là chườm đá. Sau khi đỡ đau cũng có thể vận động nhẹ tăng dần để máu lưu thông tốt hơn. Nếu các biện pháp trên không giúp giảm đau, đây có thể không phải “chuột rút” mà là các bệnh khác.
Trên đây một số thông tin về cách phòng ngừa và xử lý “chuột rút” khi bơi lội. Nếu bạn đang có kế hoạch trải nghiệm các tour du lịch mùa hè có gắn với hoạt động bơi lội của Vietnam Adventure như: Tour khám phá Quảng Bình 3N2Đ, tour trải nghiệm Na Hang 2N1Đ, tour trải nghiệm Pù Luông thì đừng quên “bỏ túi” những kiến thức này nhé.